Friday, April 29, 2016

Hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị ngạt nước

Thường gặp, nhất là về mùa hè và ở trẻ em , thiếu niên - Tỷ lệ tử vong cao do không được cấp cứu kịp thời hoặc cấp cứu không đúng quy cách.
Ngạt nước rất dễ dẫn đến tử vong, nhất là khi thời gian chìm dưới nước lâu (từ 5 phút trở lên) hoặc do không biết sơ cứu đúng cách. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, chúng ta không nên quá hoảng sợ mà cần phải bình tĩnh để thực hiện các bước sơ cứu cho bé trong lúc chờ người tới giúp hay chờ xe cứu thương.
Sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Bởi các nạn nhân ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển tới cơ sở y tế sẽ làm não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não, dẫn tới tử vong hoặc di chứng não nặng nề.

Các bước sơ cứu
Đầu tiên, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho trẻ nắm, ném phao… sau đó đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, ngưng thở (quan sát lồng ngực không thấy di động) hay thở ngáp cá hãy kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không (trong vòng 5-10 giây), nếu không bắt được mạch tức là tim trẻ đã ngưng đập.
Lúc này, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức (1 bàn tay đối với trẻ nhỏ, 2 bàn tay đối với trẻ trên 8 tuổi) phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 15/2 (2 cấp cứu viên) hoặc 30/2 (1 cấp cứu viên), thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) để cung cấp dưỡng khí, hít thật sâu, áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ) hoặc thổi miệng qua miệng cho trẻ lớn. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây, nhìn lồng ngực trẻ có di động không.
Thực hiện ấn tim - thổi ngạt mỗi 2 phút đánh giá lại, làm kiên trì cho đến khi tim đập và thở trở lại… Thực hiện động tác sơ cứu đến khi có mạch thì ngưng ấn tim, nhưng vẫn tiếp tục thổi ngạt cho đến khi trẻ tự thở được. Sơ cứu tại chỗ được xem là thành công khi da trẻ hồng hào, tự thở được, tim đập lại, sờ được mạch rõ, trẻ tỉnh lại.
Trong quá trình sơ cứu cần tránh những cách xử lý như xốc nước. Động tác dốc ngược người trẻ xuống để xốc nước là không cần thiết và không nên thực hiện vì thông thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải vào đầy phổi như người dân thường nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được xuất ra ngoài khi người bị nạn tự thở lại. Ngoài ra, việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt - ấn tim và làm tăng nguy cơ hít sặc nước vào phổi.
Trên thực tế, khi vớt trẻ lên thấy bất tỉnh, ngưng thở, hay thở ngáp cá là đã có thể ấn tim rồi thổi ngạt ngay tỉ lệ tương tự như trên.
Nếu trẻ còn tự thở, hãy đặt trẻ ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu trẻ nôn ói. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người trẻ tấm chăn hay một tấm khăn khô, tránh hơ lửa hoặc “lăn lu” người trẻ vì sẽ càng làm nặng thêm tình trạng của trẻ hoặc làm trẻ bị phỏng và quan trọng nhất là làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt.
Để phòng chống tai nạn ngạt nước ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh, người chăm sóc cũng cần lưu ý:
Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà.Tránh ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước. Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Trẻ em khi bơi phải mang áo phao và được người lớn giám sát. Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông.Không cho bệnh nhân động kinh bơi…
Ngoài ra, mọi người cần học bơi, biết bơi và đi bơi trong môi trường an toàn để tránh được tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Nguồn: Bác sĩ Nguyễn Minh TiếnKhoa hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM

No comments:

Post a Comment